Ai cũng muốn ít gặp phải các vấn đề xảy ra trong nhà thuê. Tuy nhiên, ngay cả khi cuộc sống hàng ngày trôi qua yên bình, bạn vẫn có thể gặp phải những vấn đề như “Tiếng ồn từ căn hộ tầng trên khiến tôi không ngủ được” hay “Máy điều hòa không hoạt động”.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn địa chỉ để được tư vấn hỗ trợ xử lý khi gặp các vấn đề trong nhà thuê, đồng thời cung cấp những mẹo hữu ích để đề phòng các tình huống không mong muốn đó. Đọc ngay bài viết này nếu bạn đang gặp vấn đề trong nhà thuê của mình nhé!
Village House có hơn 1.000 căn hộ cho thuê trên khắp nước Nhật. Nếu đang tìm nhà mới, ghé ngay qua trang web của chúng tôi để tìm hiểu thông tin nhé.
Thiết bị trong căn hộ hư hỏng? Phải làm sao?
Nếu gặp vấn đề với các thiết bị trong nhà như điều hòa hoặc bồn cầu có chế độ sưởi, hãy xem lại hướng dẫn sử dụng. Trong nhiều trường hợp, sẽ có các bước khắc phục sự cố đơn giản trong hướng dẫn sử dụng mà bạn có thể tự thực hiện được.
Nếu không có hướng dẫn sử dụng, bạn có thể truy cập trang web chính thức của nhà sản xuất. Nhiều công ty cung cấp tài liệu hướng dẫn trực tuyến. Khi tìm, hãy tìm theo số model của thiết bị.
Nếu thiết bị bị hỏng nặng, hãy liên hệ với chủ nhà hoặc công ty quản lý tài sản để được hỗ trợ. Thông tin liên lạc của họ có trong hợp đồng thuê nhà.
Cần lưu ý rằng, công ty bất động sản bạn dùng khi tìm nhà chủ yếu đóng vai trò trung gian giữa bạn và chủ nhà. Công ty này thường không chịu trách nhiệm quản lý việc duy tu bảo trì tài sản, trừ khi họ cũng là công ty đảm nhận vai trò quản lý nhà. Do đó, hãy kiểm tra hợp đồng thuê để biết rõ ai là người chịu trách nhiệm.
Chi phí sửa chữa có thể thay đổi tùy vào điều khoản trong hợp đồng thuê nhà. Thông thường, chủ nhà sẽ chịu chi phí sửa chữa, trừ khi: hư hỏng xảy ra do sử dụng sai cách (không làm theo hướng dẫn sử dụng), hay do người thuê cố ý gây hư hỏng.
Tuy nhiên, nếu thiết bị bị hỏng không nằm trong danh sách tiện ích của hợp đồng (ví dụ: đồ đạc do người thuê trước để lại), thì ngay cả khi lỗi do hao mòn tự nhiên, người thuê cũng có thể phải chịu chi phí sửa chữa. Do đó, hãy luôn kiểm tra kỹ hợp đồng thuê nhà để nắm rõ trách nhiệm của mình đối với các trường hợp sửa chữa.
Những rắc rối thường gặp với hàng xóm
Vấn đề tiếng ồn
Tiếng ồn là một trong những vấn đề thường gặp ở các khu căn hộ. Những âm thanh gây khó chịu như tiếng TV, tiếng nhạc lớn, chơi nhạc cụ, hay nói chuyện to vào ban đêm thường rất khó chịu. Thậm chí, ngay cả những âm thanh thường ngày cũng có thể trở nên rất khó chịu tùy vào hoàn cảnh.
Những tiếng động như tiếng trẻ con, tiếng bước chân, tiếng máy hút bụi, máy giặt, tiếng đóng/mở cửa, xả nước trong nhà vệ sinh, hay thậm chí là tiếng trò chuyện hoặc TV cũng có thể gây khó chịu, tùy vào âm lượng, thời gian trong ngày và mức độ nhạy cảm của người nghe. Nói cách khác, ranh giới giữa âm thanh bình thường và tiếng ồn đối với mỗi người đều khác nhau, và đôi khi bạn vô tình gây ảnh hưởng đến hàng xóm mà không hề hay biết.
Rắc rối từ thú cưng hoặc mùi rác
Ngay cả khi chủ nuôi thú cưng không thấy phiền, nhưng những người không nuôi có thể thấy khó chịu, đặc biệt là vấn đề mùi thú nuôi. Một vấn đề thường gặp là chủ thú cưng không xử lý chất thải thú nuôi đúng cách, gây ra mùi khó chịu và có thể dẫn đến xung đột với hàng xóm.
Tương tự, mùi rác thải cũng dẫn đến tình trạng như vậy. Chẳng hạn như thức ăn còn thừa vương vãi ở ban công có thể gây mùi khó chịu, hoặc nếu nhà cửa nhiều rác thì mùi hôi cũng có thể ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh.
Rắc rối do không tuân theo phép tắc
Những hành vi thiếu ý thức như nói chuyện lớn ở lối vào, hành lang, hoặc thang máy, để xe đạp không đúng nơi quy định, hay để vật liệu dễ cháy gần lối ra vào có thể khiến hàng xóm căng thẳng với bạn. Vì các khu vực sử dụng chung là dành cho tất cả cư dân, nên những hành vi thiếu ý thức có thể dễ dàng dẫn đến những xung đột căng thẳng.
Hút thuốc trên ban công cũng là một vấn đề. Mùi thuốc lá không chỉ gây khó chịu mà còn có thể bám vào quần áo phơi. Đặc biệt, vào những mùa xuân hè khi mọi người thường xuyên mở cửa sổ, khói thuốc còn có thể bay vào nhà hàng xóm. Hút thuốc trong khu vực chung không chỉ là thiếu lịch sự mà còn có thể vi phạm quy định quản lý của khu chung cư.
Những tranh chấp thường gặp với chủ nhà
Một trong những tranh chấp phổ biến nhất với chủ nhà là chi phí sửa chữa khi chuyển nhà đi. Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã ban hành hướng dẫn về trách nhiệm khôi phục tài sản về tình trạng ban đầu. Những hướng dẫn này nhằm ngăn các vấn đề liên quan đến hợp đồng thuê nhà và cung cấp khung tiêu chuẩn chung dựa trên hợp đồng, các vụ kiện và giao dịch thực tế.
Tuy nhiên, không ít trường hợp người thuê bị bắt phải chịu một khoản phí không hợp lý, dẫn đến tranh chấp. Nếu có hợp đồng, nội dung trong hợp đồng sẽ được ưu tiên. Vì vậy, hãy xem xét cẩn thận các điều khoản đặc biệt trước khi ký.
Để tìm hiểu thêm thông tin về các chi phí chuyển nhà, vui lòng đọc thêm tại bài viết:
Biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu các vấn đề
Chọn căn hộ ít có khả năng gặp vấn đề
Nếu chọn sống ở tầng trệt, bạn sẽ không cần lo lắng về việc gây tiếng ồn ảnh hưởng đến người sống ở căn hộ bên dưới. Nếu sợ bị làm phiền bởi tiếng động từ tầng trên hoặc các phòng bên cạnh, hãy cân nhắc chọn căn hộ tầng trên cùng hoặc góc hành lang. Những căn hộ này thường ít giáp với các căn hộ khác, giúp giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột vì tiếng ồn.
Bố trí của các căn hộ xung quanh cũng là một yếu tố cần cân nhắc. Ví dụ, ở những căn hộ có phòng cạnh nguồn nước như phòng tắm hoặc bếp, thường sẽ dễ nghe thấy tiếng nước chảy. Hãy kiểm tra vị trí các khu vực gần nơi ngủ để chọn được không gian sống thoải mái.
Kiểm tra kỹ các điều khoản trước khi ký hợp đồng
Nhiều vấn đề phát sinh do không kiểm tra kỹ lưỡng trước khi chuyển đến. Để tránh rủi ro này, chủ nhà và người thuê nên cùng nhau kiểm tra tình trạng căn hộ khi đi xem nhà.
Ngoài ra, chuẩn bị sẵn một danh sách kiểm tra sẽ giúp bạn không bỏ sót những điểm quan trọng. Đồng thời, chụp ảnh căn hộ và ghi chép lại những điểm lưu ý sẽ giúp bạn so sánh tình trạng căn hộ trước và sau khi thuê, tránh được những tranh chấp không đáng có sau này.
Hãy nhớ, đừng vội vàng ký hoặc đóng dấu hợp đồng nếu chưa thật sự hài lòng. Cần dành thời gian đọc kỹ hợp đồng, đặt câu hỏi ngay tại chỗ và chắc chắn đã hiểu rõ các điều khoản trước khi đồng ý ký kết.
Địa chỉ tư vấn khi gặp vấn đề
Nếu chủ nhà hoặc công ty quản lý không thể xử lý, hãy liên hệ với các trung tâm tư vấn dưới đây để được hỗ trợ thêm.
Trung tâm bảo vệ người tiêu dùng quốc gia
Đây là trung tâm tư vấn giải quyết các vấn đề và mối quan tâm mà người tiêu dùng gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Trung tâm có các văn phòng trên khắp Nhật Bản, hỗ trợ tư vấn trực tiếp.
Điện thoại: 188 (Hotline người tiêu dùng)
Giờ mở cửa: 10:00 sáng – 12:00 trưa, 1:00 chiều – 4:00 chiều (nghỉ cuối tuần, ngày lễ và Tết Dương lịch)
Trung tâm hỗ trợ pháp lý Nhật Bản
Trung tâm Hỗ trợ Pháp lý là một dịch vụ được chính phủ thành lập nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận tư vấn pháp luật khi gặp vấn đề pháp lý. Dựa trên nội dung của buổi tư vấn, trung tâm sẽ hướng dẫn bạn đến các hệ thống pháp lý và dịch vụ tư vấn phù hợp.
Ngoài ra, những người gặp khó khăn về tài chính có thể đủ điều kiện tham gia “Hệ thống Hỗ trợ Pháp lý Dân sự”, là nơi cung cấp tư vấn pháp lý miễn phí với luật sư, áp dụng kèm theo một số điều kiện nhất định.
Điện thoại: 0570-078-374
Giờ mở cửa: Ngày thường: 9:00 sáng – 9:00 tối, thứ Bảy: 9:00 sáng – 5:00 chiều (nghỉ Chủ nhật, ngày lễ và Tết Dương lịch)
Đường dây tư vấn của cảnh sát
Nhiều người nghĩ rằng chỉ nên liên lạc với cảnh sát trong các trường hợp khẩn cấp và cần gọi số 110. Tuy nhiên, cảnh sát cũng cung cấp dịch vụ tư vấn cho các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Đường dây tư vấn của cảnh sát có nhân viên được đào tạo bài bản sẵn sàng hỗ trợ và chuyển bạn đến các tổ chức chuyên môn phù hợp phù hợp với tình huống của bạn.
Tuy nhiên, trong các trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như gặp tai nạn hoặc khi bạn đang có nguy cơ bị tổn thương, hãy gọi ngay số 110.
Điện thoại: 9110 (Ngoài giờ làm việc, bạn sẽ nhận được hướng dẫn bằng giọng nói nếu không có nhân viên trực)
Giờ mở cửa: Ngày thường: 8:30 sáng – 5:15 chiều
Nếu đang gặp vấn đề tiếng ồn, hãy tham khảo các bài viết hữu ích dưới đây:
Village House hỗ trợ dịch vụ thuê nhà không nhiều thủ tục rườm rà, do không yêu cầu tiền đặt cọc, tiền lễ, phí gia hạn hay các chi phí ẩn khác. (Lưu ý, có thể áp dụng tiền đặt cọc tùy vào điều kiện hợp đồng, cũng như kết quả sàng lọc người thuê). Nếu đang gặp vấn đề về tiếng ồn hoặc có ý định chuyển nhà, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi!
Xin chào, tôi là Machiko Doi, một nhà văn tự do viết về nhà ở và cuộc sống ở Nhật Bản.
Tôi sống trong một ngôi nhà 80 năm tuổi được thừa kế từ ông bà cùng với hai con mèo nhận nuôi và con gái của tôi.
Chúng tôi sống một cuộc sống thoải mái trong khi sửa chữa ngôi nhà này.
Tôi thích nấu rau hái từ vườn và cá tươi do bố tôi bắt được, thưởng thức chúng với bia lạnh vào ngày nóng hoặc rượu sake nóng vào ngày lạnh.