Vậy là bạn đã chốt được chỗ ở mới và đã ký hợp đồng thuê nhà. Đã đến lúc bạn phải dọn đi khỏi nơi ở hiện tại, và lúc này bạn đang đối diện với một trở ngại ai cũng ngán – đóng gói đồ đạc chuyển nhà.
“Phải bắt đầu từ đâu đây chứ?!”, bạn tuyệt vọng nghĩ khi nhìn thấy hàng đống đồ đạc chất đầy mọi ngóc ngách trong căn hộ hiện tại của mình. Đừng lo, không quá khó đâu, mẹo là bạn phải “chia để trị”. Hãy bắt đầu đóng gói từ những vật dụng cần cẩn thận, dễ vỡ nhé!
Mẹo đóng gói đồ dễ vỡ
Đồ sứ, đồ thủy tinh, đồ gia dụng, và đồ gốm – danh sách còn kéo dài nữa. Tất cả những vật dụng dễ vỡ này cần được đóng gói cẩn thận để đảm bảo tránh bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Dưới đây là một số mẹo hy vọng sẽ giúp giảm thiểu được các rủi ro:
- Dùng hộp nhỏ và chắc chắn để đóng những món đồ dễ vỡ và nặng. Dùng giấy báo, túi xốp hơi, mút, hoặc vớ cũ, v.v để lấp đầy khoảng trống giữa các món đồ.
- Dùng hộp các tông dày hai hoặc ba lớp để đóng gói các vật dụng dễ vỡ do loại hộp này cứng cáp và chắc chắn hơn, bảo vệ được tối đa đồ đạc.
- Sử dụng “Phương pháp chữ H” để dán băng keo hộp các tông, đặc biệt là phần đáy. Đầu tiên dán băng ngang hộp rồi mới dán các góc. Nếu muốn cẩn thận hơn, có thể dán băng keo ở phía bên trong hộp.
- Lót đáy hộp bằng vật mềm mại – túi xốp hơi, mút, hạt xốp Styrofoam, hoặc thậm chí khăn tắm.
- Đồ nặng để dưới, đồ nhẹ để trên. Xếp như vậy đồ nhẹ sẽ không bị đồ nặng làm hỏng.
- Cố gắng tìm các loại hộp chuyên dụng để đóng gói đồ sành sứ, bát đĩa, đồ thủy tinh và đồ gia dụng. Các loại hộp này thường đi kèm với vách ngăn để ngăn từng món đồ riêng biệt. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự tạo vách ngăn mình bằng cách cắt các miếng bìa cứng, tạo rãnh và khớp chúng lại thành vách trong hộp.
- Dùng giấy báo, giấy mềm hoặc túi xốp hơi để nhét vào lọ, cốc, hũ thủy tinh, v.v. để tạo thêm lớp đệm và tránh bị va đập lúc di chuyển.
- Hãy sử dụng nhiều các loại túi xốp hơi, mút xốp và giấy để bọc khi đóng gói các vật dụng dễ vỡ. Cẩn tắc vô áy náy. Và nhớ dán nhiều băng keo để cố định các loại mút xốp.
- Viết chữ “HÀNG DỄ VỠ” màu đỏ thật to trên các thùng đồ dễ vỡ và xếp các thùng này ở cùng một khu vực để nhân viên vận chuyển có thể lưu ý nhẹ tay.
Mua vật liệu đóng gói chuyên dụng ở đâu
Dù bạn có ngân sách eo hẹp, hay muốn thân thiện với môi trường hay chỉ muốn tìm mua thêm hộp các tông hoặc mút xốp bong bóng, bạn có thể mua các vật liệu đóng gói chuyên dụng này ở khá nhiều chỗ. Một địa điểm phổ biến là các cửa hàng đồng giá 100 yên ở khắp nơi trên Nhật Bản. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm mua được ở siêu thị, nhà thuốc, nhà sách, quán cà phê, hoặc nhà ga, v.v.
Ngoài ra, nếu bạn thuê hoặc đang nghĩ đến việc thuê một đơn vị chuyển nhà, rất có thể họ sẽ cung cấp vật liệu đóng gói cho bạn, thế nên đừng quên kiểm tra với họ trước khi đi tự đi mua nhé. Mẹo: Nếu bạn ký hợp đồng thuê với Village House, chúng tôi có phiếu giảm giá với một trong những đơn vị chuyển nhà liên kết, nên đừng quên hỏi nhé!
Cửa hàng đồng giá 100 yên
Nhật Bản may mắn khi có rất nhiều các cửa hàng đồng giá 100 yên, nơi chủ yếu các sản phẩm có giá … 100 yên (chưa bao gồm thuế). Các cửa hàng 100 yên ở Nhật gồm có Daiso, Seria, Can Do, hoặc Watts. Bạn có khá nhiều lựa chọn các cửa hàng 100 yên. Tùy thuộc vào quy mô của cửa hàng nhưng theo kinh nghiệm, bạn luôn có thể tìm thấy các vật liệu đóng gói như thùng carton, cuộn màng giấy xốp bong bóng, màng xốp bọc bát đĩa, kéo, băng dính, máy cắt băng dính, v.v. tại các cửa hàng này.
Siêu thị & Nhà thuốc (thùng carton)
Nếu ngân sách cực kỳ eo hẹp, bạn vẫn luôn có thể tìm được thùng carton từ các cửa hàng trong siêu thị hay trong nhà thuốc. Bạn chỉ cần hỏi nhân viên bán hàng xem có thùng hoặc hộp rỗng không và họ sẽ chỉ chỗ để bạn tự lấy hoặc họ sẽ lấy đem ra cho bạn. Một số siêu thị còn bố trí khu vực để thùng rỗng ở chỗ tính tiền để khách hàng thoải mái lấy về.
Nhà sách, quán café, v.v (xin tạp chí, báo hoặc giấy)
Tạp chí, tờ quảng cáo, hay báo giấy, v.v hầu như có ở khắp mọi nơi. Bạn có thể đi thu thập lại và dùng để bọc và chèn các vật dụng dễ vỡ, chẳng hạn như chèn vào những chỗ trống trong thùng, hoặc trong lòng đồ đạc, bọc đóng gói các món đồ dễ vỡ, hoặc để lót trong lòng thùng hàng.
Bảo hiểm vận chuyển
Tùy thuộc vào giá trị đồ đạc của bạn và khoảng cách vận chuyển, chi phí vận chuyển và chi phí bảo hiểm sẽ khác nhau. Bảo hiểm vận chuyển cũng sẽ khác nhau tùy theo từng đơn vị vận chuyển nhưng bạn nên mua bảo hiểm này khi vận chuyển đồ đạc dễ vỡ. Bạn sẽ được bồi thường một khoản tiền nhất định nếu đồ đạc của bạn bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
Mức phí bảo hiểm thường được tính dựa trên giá trị hàng bạn vận chuyển. Nhớ kiểm tra kỹ bảng bóc tách chi tiết chi phí bảo hiểm của công ty vận chuyển để nắm rõ quyền lợi của bảo hiểm vận chuyển nhé.
Dịch vụ vận chuyển ở Nhật
Các cách vận chuyển khác là tìm hiểu dịch vụ vận chuyển “Hàng dễ vỡ” của các công ty dịch vụ chuyển nhà chẳng hạn như Art Corporation, Akabou và Yamato Home Convenience. Những công ty này chuyên hỗ trợ mọi người chuyển nhà, nên họ sẽ giúp bạn an tâm khi vận chuyển các vật dụng dễ vỡ.
Nếu các vật dụng dễ vỡ của bạn không quá nặng hoặc cồng kềnh, bạn cũng có thể đóng gói để tự xách tay. Như vậy bạn vừa có thể đảm bảo quá trình vận chuyển an toàn, vừa có thể tiết kiệm được chi phí vận chuyển!
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã cảm thấy tự tin hơn khi đóng gói đồ đạc dễ vỡ và vận chuyển đến căn hộ mới. Nếu bạn đang cân nhắc căn hộ của Village House, đừng quên hỏi về dịch vụ hỗ trợ chuyển nhà của chúng tôi nhé. Chắc chắn chúng tôi có thể giúp bạn giải quyết một số vấn đề về việc vận chuyển các đồ đạc dễ vỡ đấy!