Giới thiệu
Tỉnh Fukui thường bị lãng quên trên bản đồ du lịch của cả du khách trong nước lẫn quốc tế, nhưng chính sự thầm lặng ấy đã biến nơi đây thành một viên ngọc quý của Nhật Bản. Nằm dọc bờ biển thơ mộng của Biển Nhật Bản, Fukui là sự kết hợp hoàn hảo giữa lịch sử lâu đời, vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ, và những trải nghiệm độc đáo khó quên. Trong bài hướng dẫn du lịch phần trước, chúng tôi đã giới thiệu những địa điểm nổi tiếng nhất của Fukui, từ những tòa thành cổ kính đến những khám phá thời tiền sử đầy thú vị. Ở phần hai này, chúng tôi sẽ dẫn bạn đi sâu hơn, khám phá những địa điểm ít người biết đến – những viên ngọc ẩn giấu ở vùng đất thú vị này. Dù bạn đam mê lịch sử hay đang tìm kiếm những khoảnh khắc thư thái giữa thiên nhiên, phần hai này sẽ cho bạn thấy tại sao Fukui là điểm đến lý tưởng để khám phá một Nhật Bản hoàn toàn khác biệt, xa khỏi sự ồn ào của những điểm du lịch đông đúc.
Nếu đang cân nhắc chuyển đến Fukui để sinh sống, hãy tham khảo các lựa chọn nhà thuê trên Village House. Chúng tôi cung cấp các căn hộ cho thuê giá rẻ mà không yêu cầu đặt cọc*, không phí gia hạn hợp đồng, không tiền lễ và cũng không phí dịch vụ!
*Tùy vào điều kiện hợp đồng mà có thể sẽ áp dụng tiền đặt cọc.
Di Tích Thành Ichijodani của Gia Tộc Asakura

Nằm trong một khu vực phục dựng từ thị trấn thành cổ, Di Tích Ichijodani của Gia Tộc Asakura là nơi từng là căn cứ quyền lực của gia tộc Asakura hùng mạnh trong thời kỳ Muromachi.
Tọa lạc tại trung tâm tỉnh Fukui, thị trấn này từng là trung tâm văn hóa, quân sự và thương mại, là nơi sinh sống của hơn 10.000 người. Tuy nhiên, vào năm 1573, nó đã bị tướng quân Oda Nobunaga phá hủy trong chiến dịch thống nhất Nhật Bản.
Hơn 400 năm sau, di tích được khai quật và một phần nhỏ của thị trấn đã được phục dựng, tái hiện hình ảnh của thời kỳ Muromachi. Khu vực phục dựng bao gồm các ngôi nhà có tường bao của samurai, thương nhân và thợ thủ công dọc theo con phố dài 200 mét. Một số ngôi nhà còn được trang bị nội thất và hình nhân, giúp du khách dễ hình dung về cuộc sống thời bấy giờ. Phần còn lại của di tích trải rộng khắp khu vực lân cận, nơi du khách có thể tự do khám phá và tìm hiểu.
Ngoài ra, một bảo tàng về di tích này cũng đã được mở cửa năm 2022, ngay gần ga Ichijodani. Bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật được tìm thấy tại khu vực này và có cả mô hình chi tiết tái hiện thị trấn thành cổ trong thời kỳ hoành kim.
Giá vé vào khu vực đường được phục dựng một phần là 330 yên/người lớn và 100 yên/học sinh tiểu học, trung học cơ sở và người cao tuổi.
Từ Ga Fukui, bắt tuyến xe buýt số 62 đến trạm Fukugen Machinami. Chuyến đi kéo dài khoảng 30 phút với giá 680 yên/chiều. Lưu ý rằng tuyến xe buýt này chạy rất thưa, khoảng 2-3 giờ một chuyến, nên bạn cần lên kế hoạch thật kỹ.
Những ai muốn tham quan bảo tàng, hãy bắt tàu tuyến JR Etsumi Hoku từ Ga Fukui đến Ga Ichijodani (khoảng 15 phút), sau đó, đi bộ thêm 3 phút là tới bảo tàng.
Để biết thêm thông tin về Di tích Ichijodani của gia tộc Asakura, hãy truy cập trang web chính thức của di tích này.
Bảo tàng Megane

Thường được biết đến với tên gọi Bảo tàng Megane hay Bảo tàng Kính, đây là một bảo tàng đặc biệt của hãng sản xuất mắt kính lớn nhất Nhật Bản.
Nằm ở thành phố Sabae, tỉnh Fukui, nơi sản xuất hơn 90% gọng kính mắt của Nhật Bản, bảo tàng này mang đến cái nhìn sâu sắc về 110 năm lịch sử của ngành công nghiệp kính mắt. Tại đây, bạn sẽ được tìm hiểu cách kính mắt đã thay đổi qua các thời kỳ, từ thời Edo đến thời Showa, cùng quy trình sản xuất phức tạp với hơn 200 bước để tạo ra một chiếc kính hoàn chỉnh. Nếu muốn trải nghiệm, bạn có thể tham gia workshop làm kính mắt để có thể tự tay chế tác gọng kính của riêng mình.
Ngành công nghiệp kính mắt tại Sabae bắt nguồn từ năm 1905 khi Masunaga Gozaemon (1871~1938), một thành viên hội đồng địa phương, muốn tạo thêm việc làm trong mùa đông cho người dân địa phương. Ông đã mời các thợ làm kính lão luyện đến để truyền nghề cho các nghệ nhân tại Sabae. Ngày nay, Sabae trở thành trung tâm tập trung hơn 100 công ty sản xuất kính mắt nổi tiếng thế giới, với công nghệ chính xác và chất lượng vượt trội.
Bảo tàng nằm trong tòa nhà kết hợp cửa hàng kính mắt, trưng bày hơn 2.500 mắt kính và gọng kính – tất cả đều được sản xuất tại Fukui. Cửa hàng còn cung cấp các dịch vụ tiện ích như kiểm tra thị lực, vệ sinh kính, đo đạc và điều chỉnh kính.
Bảo tàng và cửa hàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần, trừ thứ Tư, từ 10 giờ sáng đến 7 giờ tối (bảo tàng đóng cửa lúc 5 giờ chiều) và chỉ cách ga JR Sabae 10 phút đi bộ. Tòa nhà rất dễ nhận ra nhờ cặp kính đỏ khổng lồ trên nóc. Để biết thêm thông tin, hãy truy cập trang web chính thức của bảo tàng.
Đảo Oshima

Đảo Oshima là một hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi vách đá Tojinbo ở thành phố Sakai. Du khách có thể dễ dàng đến đây qua cây cầu đỏ rực – một biểu tượng nổi bật, khiến người ta liên tưởng đến cây cầu dẫn đến khu nhà tắm trong bộ phim Spirited Away nổi tiếng của Ghibli Studio.
Hòn đảo không có người ở, vì được xem là nơi linh thiêng, nơi người dân địa phương tin rằng các vị thần cư ngụ tại đây. Vì vậy, đảo còn được gọi là “Đảo Thần Thánh.”
Xung quanh đảo Oshima là khu rừng tuyệt đẹp với những loại cây độc đáo, thường chỉ xuất hiện ở các vùng nhiệt đới. Trên đảo có đền Ominato, nơi người dân địa phương thường đến, leo lên 78 bậc đá, để cầu nguyện cho sự an toàn của những ngư dân ra khơi. Khu vực biển quanh đảo nổi tiếng có sóng dữ và thời tiết khắc nghiệt, khiến nghề đánh bắt cá rất nguy hiểm và rủi ro.
Ngoài ngôi đền Ominato, trên đảo còn có ngọn hải đăng nhỏ. Du khách có thể đi bộ quanh đảo trong khoảng một giờ đồng hồ vì đảo chỉ khoảng 2km.
Đảo không thu phí tham quan, nhưng không nên đến đảo vào buổi tối vì truyền thuyết kể rằng vị thần được thờ trong đền sẽ xuất hiện để hù dọa những kẻ dám mạo phạm khi trời tối.
Vách đá Tojinbo

Vách đá Tojinbo là một dải đá bazan gồ ghề dài khoảng 1km nằm dọc theo Biển Nhật Bản, phía bắc thành phố Fukui. Qua hàng nghìn năm, những con sóng đã khắc họa nên đường bờ biển độc đáo này, tạo ra những hẻm sâu và vách đá dựng đứng cao tới 30 mét trên mặt nước biển.
Điều đặc biệt làm nên danh tiếng của Tojinbo chính là những cột đá hình lục giác và ngũ giác – một hiện tượng địa chất hiếm gặp, chỉ xuất hiện ở vài nơi trên thế giới như Hàn Quốc và Na Uy. Hiện tượng này, được gọi là cột đá phân tầng xảy ra khi dung nham hoặc magma nguội đi và đông đặc, tạo nên các vết nứt dạng cột. Quá trình này diễn ra khi magma di chuyển lên bề mặt, nguội đi và co lại, hình thành nên các vết nứt lục giác và ngũ giác độc đáo mà chúng ta nhìn thấy ở Tojinbo ngày nay.
Tên gọi “Tojinbo” gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết ly kỳ. Có câu chuyện kể rằng một nhà sư tên Tojinbo đã bị đẩy xuống biển từ vách đá bởi một tình địch trong cuộc tranh giành tình cảm của một công chúa. Một câu chuyện khác lại nói rằng vị sư này bị người dân địa phương tức giận đẩy xuống biển. Dù sự thật là gì, nơi đây vẫn mang một không khí huyền bí và được cho là bị ám bởi linh hồn của những người từng rơi xuống đây. Lưu ý rằng khu vực vách đá Tojinbo không có rào chắn, du khách có thể tự do đi lại sát mép vách đá. Vì vậy, hãy cẩn thận và đừng “theo bước chân” của những câu chuyện đầy bi kịch kia.
Để đến Vách đá Tojinbo, bắt tuyến Echizen Railway đến ga Mikuniminato, điểm dừng cuối cùng của tuyến Mikuni Awara. Đi mất khoảng 50 phút với giá vé ¥770/lượt. Từ ga Mikuniminato, bạn chuyển sang xe buýt Keifuku (mỗi giờ có một chuyến) để đến vách đá. Chuyến xe buýt này mất khoảng 5 phút và giá vé là ¥200/lượt.
Con đường từ bãi đậu xe và trạm xe buýt dẫn đến vách đá có rất nhiều các quán ăn, xe đẩy bán đồ ăn và cửa hàng lưu niệm với đủ loại đặc sản địa phương và hải sản tươi ngon. Gần đó còn có Tháp Tojinbo – nơi bạn có thể ngắm toàn cảnh 360 độ khu vực với giá vé ¥500.
Nếu có thời gian, bạn có thể tản bộ dọc các con đường ven biển phía bắc vách đá để chiêm ngưỡng các điểm ngắm cảnh, chòi nghỉ chân và khung cảnh thiên nhiên hoang sơ. Về phía nam, bạn sẽ thấy một làng chài nhỏ và cây cầu đỏ nối đến đảo Oshima – một điểm đến không thể bỏ qua.
Cảng nhân đạo Tsuruga

Từ thời Minh Trị cho đến đầu thời Chiêu Hòa, cảng Tsuruga từng là cửa ngõ giao thông quan trọng nối Nhật Bản với châu Âu. Tuy nhiên, nơi này không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn gắn liền với những câu chuyện lịch sử nhân đạo đầy xúc động từ cuộc Cách mạng Bolshevik và và những người tị nạn Do Thái từ Thế chiến II, điều mà không phải ai cũng biết. Chính vì thế, Bảo tàng Cảng Nhân Đạo tại Công viên Kanegasaki, thành phố Tsuruga, được xây dựng để giới thiệu cho du khách lịch sử thú vị của thành phố cũng như lại những nỗ lực nhân đạo đáng nhớ trong hai giai đoạn hỗn loạn trong lịch sử nhân loại này.
Khi ghé thăm bảo tàng, du khách sẽ được tìm hiểu về Chiune Sugihara, một nhà ngoại giao Nhật Bản từng giữ chức phó lãnh sự Đế quốc Nhật Bản tại Kaunas, Lithuania. Ông đã bất chấp lệnh cấm của chính phủ Nhật, cấp thị thực quá cảnh – được gọi là “thị thực cứu mạng” – cho hàng chục người Do Thái tị nạn đang chạy trốn khỏi cuộc đàn áp của Đức Quốc xã. Cảng Tsuruga chính là nơi những người tị nạn này đặt chân đến sau hành trình dài đầy gian truân từ châu Âu qua tuyến đường sắt xuyên Siberia.
Du khách cũng sẽ được biết thêm rằng, trước đó, Tsuruga còn là nơi tiếp đón rất nhiều trẻ em mồ côi người Ba Lan bị thất lạc tại Nga và Siberia trong cuộc Cách mạng Bolshevik. Với sự phối hợp giữa Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản và Ủy ban Cứu trợ Trẻ em Ba Lan, khoảng 760 trẻ mồ côi đã được giải cứu khỏi nạn đói, bệnh tật và vô gia cư. Sau đó các em được đưa đến Vladivostok, trước khi đến cảng Tsuruga bằng tàu biển vào năm 1920.
Bảo tàng mở cửa từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều tất cả các ngày trong tuần trừ thứ Tư. Vé vào cổng: 500 yên/người lớn, 300 yên/trẻ em. Từ ga Tsuruga, bạn có thể đi bộ khoảng 30 phút để đến bảo tàng, hoặc đi xe buýt từ Trạm Xe số 3 (tuyến tham quan) hoặc số 4 (xe buýt cộng đồng). Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập trang web chính thức của bảo tàng.

Nhà văn tự do với hơn 2 năm kinh nghiệm viết cho Blog Village House, giáo viên dạy tiếng Anh và là người làm việc từ xa không cố định tại một nơi đã sống ở các quốc gia bao gồm Cộng hòa Séc, Vương quốc Anh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nhật Bản và gần đây nhất là Gruzia. Tôi không ngừng săn lùng căn hộ tốt nhất, tối ưu nhất để làm việc từ xa khi không hứng thú với việc đi xem liên hoan phim, hòa nhạc và kịch.