Nhiều người khi bắt đầu sống một mình thường muốn nuôi thú cưng. Tuy nhiên, nếu nơi ở của họ không cho phép nuôi thú cưng thì sẽ không thể nuôi chó hay mèo. Hơn nữa, cũng có những người ngại nuôi những loài này vì lo lắng thời gian cũng như công sức chăm sóc chúng.
Đó là lý do tại sao chúng tôi khuyên bạn nên nuôi cá. Miễn là có không gian đặt bể cá thì bạn hoàn toàn có thể thoải mái ngắm bể cá mà không làm phiền hàng xóm.
Bài viết này sẽ giới thiệu những điều quan trọng cần lưu ý khi đặt bể cá trong căn hộ thuê cũng như gợi ý một số loài cá dễ chăm sóc phù hợp cho người mới bắt đầu. Nếu sống một mình và muốn tận hưởng sự nhẹ nhàng, thư thả của bể cá thì đây chính là bài viết dành cho bạn.
Village House cung cấp hơn 1,000 bất động sản cho thuê trên khắp nước Nhật. Nếu đang cân nhắc chuyển nhà, hãy truy cập trang web của chúng tôi để tìm hiểu thêm thông tin.
Những điều cần cân nhắc khi đặt bể cá trong căn hộ thuê
Năm điểm cần cân nhắc khi đặt bể cá trong nhà thuê
Kiểm tra lại điều khoản hợp đồng thuê nhà
Trước khi chọn mua bể cá, hãy kiểm tra kỹ lại điều khoản hợp đồng thuê nhà cũng như quy định quản lý. Trong những khu căn hộ không cho phép nuôi thú cưng, cá cũng có thể bị cấm.
Ngoài ra, một số căn hộ có thể sẽ có giới hạn liên quan đến bể cá do lo ngại về trọng lượng và nguy cơ rò rỉ nước. Luôn kiểm tra trước những chi tiết này. Nếu còn lăn tăn sau khi đã rà soát hợp đồng, hãy liên hệ trực tiếp với công ty quản lý hoặc chủ nhà.
Chọn kích thước bể cá phù hợp
Ngay cả một bể cá nhỏ cũng có thể rất nặng khi đầy nước. Ví dụ, một bể cá kích thước 60cm (R) x 45cm (D) x 45cm (C) có thể nặng hơn 120kg khi đổ đầy nước.
Khi chọn bể cá, hãy cân nhắc kích thước và trọng lượng của bể. Cẩn tắc vô áy náy do đó nên chuẩn bị sẵn các giải pháp phòng ngừa, chẳng hạn như đặt một tấm đúc dưới bể cá để phân tán trọng lượng đều, tránh tập trung vào một điểm. Điều này sẽ giúp bảo vệ sàn nhà và đảm bảo tính ổn định.
Ngăn rỉ nước và rò điện
Các vết nứt trong bể cá hoặc rò rỉ từ các kết nối ống có thể gây hư hại nghiêm trọng sàn nhà cũng như nguy cơ về điện, rất nguy hiểm. Ngay cả khi mọi việc đều ổn thì những sự cố bất ngờ như động đất hoặc va chạm cũng có thể gây thiệt hại đáng kể.
Để giảm thiểu những rủi ro này, tránh đổ đầy nước bể cá và cân nhắc sử dụng cảm biến mực nước để theo dõi. Ngoài ra, ổ cắm điện nên đặt cao hơn bể cá, đồng thời giữa bể cá và tường nên có một khoảng cách an toàn để giảm thiểu khả năng rò rỉ ảnh hưởng đến các bộ phận điện.
Lưu ý tiếng ồn máy sục khí
Sục khí là thiết bị quan trọng để duy trì bể cá, nhưng có thể trở nên phiền toái nếu máy hoạt động liên tục. Nếu âm thanh hoặc rung động từ máy sục ồn sang đến các nhà liền kề thì bạn có thể sẽ phải nghe hàng xóm phàn nàn, khiếu nại.
Để giảm tiếng ồn, hãy chọn loại máy sục khí được thiết kế hoạt động êm ái. Bạn cũng có thể giảm rung bằng cách đặt một miếng đệm chống rung hoặc miếng bọt biển dưới máy sục, hoặc treo lên cao để ngăn tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt.
Tìm vị trí thích hợp để đặt bể cá trong nhà
Chọn vị trí tránh ánh nắng trực tiếp để đặt bể cá. Quá nhiều ánh sáng mặt trời có thể khiến khó kiểm soát nhiệt độ của bể, thúc đẩy sự phát triển của tảo, khiến việc vệ sinh trở nên phiền toái.
Ngoài ra, cũng cần kiểm tra khoảng cách của các ổ cắm điện phải được đặt cao hơn bể cá. Một điểm quan trọng khác là cân nhắc vị trí của nguồn nước, đảm bảo nằm trong khoảng cách hợp lý để có thể dễ dàng bảo dưỡng và vệ sinh bể cá. Vị trí phù hợp sẽ giúp bể cá khỏe mạnh cũng như dễ dàng bảo dưỡng và chăm sóc.
Không nên đặt bể cá trên ban công hoặc hiên nhà vì có thể cản trở đường thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp, thậm chí có thể gây ra những mùi hôi khó chịu làm phiền hàng xóm. Do đó, nên đặt bể cá trong nhà để dễ dàng chăm sóc cũng như thoải mái thăm thú mà không gây phiền toái cho người khác.
Bảy loài cá dễ chăm sóc cho người mới tập nuôi
1. Cá Medeka (cá gạo)
Medaka, còn được gọi là cá gạo Nhật Bản, là một trong những loài cá nước ngọt nhỏ xinh từ Nhật bản dễ chăm sóc nhất. Chúng nổi tiếng với khả năng chịu được nhiều điều kiện nhiệt độ nước khác nhau, từ 15 đến 30°C, rất phù hợp với sự thay đổi nhiệt độ theo mùa ở Nhật Bản. Nếu nuôi trong nhà, chúng không cần thiết bị đặc biệt như máy sưởi, miễn là nhiệt độ nước luôn trên 5°C. Medaka có thể phát triển tốt trong các bể cá nhỏ hoặc thậm chí là các bình thủy tinh, khiến chúng trở thành lựa chọn tuyệt vời cho người mới bắt đầu tập nuôi cá.
2. Cá vàng
Cá vàng là một trong những loài cá yêu thích nhất để nuôi thủy sinh ở Nhật Bản, đặc biệt được ưa chuộng bởi người mới bắt đầu tập nuôi cá vì rất dễ chăm sóc. Có nhiều loại cá vàng khác nhau, bao gồm loại “Wakin” cổ điển, “Ryukin” thanh lịch với những chiếc vây dài và uyển chuyển, hay “Demekin” duyên dáng, nổi bật với mắt to và biểu cảm.
Nổi tiếng với tuổi thọ dài, cá vàng có thể sống tới 10 năm nếu được chăm sóc đúng cách. Chúng phát triển tốt trong nhiệt độ nước từ 15 đến 25°C và có thể được nuôi mà không cần máy sưởi, khiến chúng trở thành lựa chọn lý tưởng cho những người mới bắt đầu chơi bể cá.
3. Cá kim tơ (White cloud mountain minnow)
Cá kim tơ vây đỏ redfin, nổi bật với vây đỏ, là một loài cá nước ngọt rất khỏe và dễ chăm sóc, khiến chúng trở thành lựa chọn tuyệt vời cho người mới bắt đầu nuôi cá. Chúng phát triển tốt trong khoảng nhiệt độ nước từ 10 đến 27°C, không cần máy sưởi. Ngoài ra, chúng có thể được nuôi trong các môi trường nhỏ hơn, chẳng hạn như bể cá bình.
Loài cá sống khỏe này thích nghi với nhiều điều kiện nước, nhiều loại thức ăn và chất lượng khác nhau, vì thế chúng còn được gọi là “cá thí điểm”. Điều này có nghĩa là chúng thường được sử dụng để giúp ổn định môi trường bể cá, do đó chúng trở thành lựa chọn đáng tin cậy cho những người mới chơi thủy sinh.
4. Cá Neon tetra
Nhiều người ngay lập tức nghĩ đến cá neon tetra khi nhắc đến cá nhiệt đới. Những chú cá rực rỡ này rất dễ nhận biết nhờ vây đuôi đỏ tươi và sọc xanh nổi bật.
Loài này có kích thước nhỏ, trong bể cá 30 cm, khoảng mười con cá neon tetra có thể thoải mái sống. Chúng cũng chịu được sự thay đổi chất lượng nước và hòa hợp tốt với các cây thủy sinh, khiến chúng trở thành lựa chọn phổ biến cho người mới bắt đầu muốn tập tành thiết kế một bể cá sôi động và đầy màu sắc.
5. Cá Mắt đèn/mắt xanh (Norman Lampeye Killi)
Cá Mắt đèn Châu Phi là một loài cá nhỏ, dài khoảng 3.5 cm, nổi tiếng với đôi mắt xanh lấp lánh như những chiếc đèn nhỏ. Với màu sắc tinh tế nhưng thanh lịch, chúng tạo thêm vẻ đẹp quyến rũ cho mọi bể cá thủy sinh. Xuất xứ từ Châu Phi, cụ thể là Nigeria và Cameroon, loài cá này phát triển tốt khi sống theo đàn và có tính tình hiền hòa, khiến chúng trở thành sự bổ sung tuyệt vời cho các bể cá nuôi nhiều loài cá khác.
6. Cá bảy màu
Cá bảy màu nổi tiếng với cơ thể rực rỡ sắc màu và vây đuôi lớn, duyên dáng. Với tính cách ôn hòa và khả năng chịu đựng sự dao động của chất lượng nước, chúng là lựa chọn lý tưởng cho người mới bắt đầu nuôi cá. Cá bảy màu trưởng thành dài khoảng 3-5 cm, rất phù hợp cho các bể nhỏ.
Tuy nhiên, hãy cẩn thận vì cá bảy màu rất dễ sinh sản. Một nhóm nhỏ ban đầu có thể nhanh chóng gia tăng số lượng, vì vậy cần lưu ý là phải theo dõi tốc độ sinh sản của chúng để tránh tình trạng quá tải.
7. Cá xiêm
Cá xiêm nổi tiếng với màu sắc rực rỡ và ngoại hình thanh lịch, thế nên chúng rất phổ biến không chỉ ở các cửa hàng thú cưng mà còn ở các cửa hàng tổng hợp nhờ vào vẻ ngoài nổi bật và việc chăm sóc ít tốn công sức.
Cá xiêm hấp thụ oxy bằng cách hít không khí qua miệng, cho phép chúng sống khỏe trong các chậu nhỏ hoặc bể cá nhỏ, rất thích hợp cho những người sống trong không gian chật hẹp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cá xiêm có thể rất hung hãn với nhau, vì vậy tốt nhất là nên nuôi riêng để tránh xung đột.
Những vật dụng cần thiết để nuôi cá
Bể cá
Khi nghĩ đến bể cá, nhiều người thường nghĩ đến một bể cá lớn. Tuy nhiên, thị trường ngày nay có rất nhiều loại bể phù hợp với các nhu cầu và không gian khác nhau.
Đối với những người sống một mình, lựa chọn tuyệt vời nhất là một bể cá nhỏ gọn. Những bể nhỏ này có thể dễ dàng đặt trên kệ TV hoặc kệ sách, vừa ngắm được cá mà lại không tốn nhiều diện tích. Nếu thích nuôi cá gạo Nhật Bản chịu lạnh hoặc cá kim tơ, bạn có thể chọn một bể cá thủy tinh nhỏ, vừa nuôi được cá lại thẩm mỹ.
Khử Clo
Nước máy thường có clo để diệt vi khuẩn nhưng có thể gây hại cho cá. Do đó điều cần làm là khử clo trước khi thả cá vào nước.
Các sản phẩm khử clo được thiết kế để trung hòa clo, làm cho nước an toàn cho các loài thủy sinh. Nhiều sản phẩm này cũng chứa các thành phần có lợi giúp tăng cường sức khỏe cá và giảm độ đục của nước.
Mặc dù để nước máy qua đêm cũng là một phương pháp để khử clo nhưng lại rất bất tiện mỗi lần thay nước. Để vừa nhanh vừa hiệu quả, nên sử dụng các sản phẩm khử clo để có thể thay nước nhanh chóng mà không cần chờ đợi.
Thiết bị lọc
Bộ lọc rất quan trọng để duy trì chất lượng nước trong bể cá vì không chỉ giúp nước sạch mà còn cung cấp oxy cần thiết cho cá.
Có bốn loại hệ thống lọc chính: lọc bể treo, lọc treo phía sau, lọc thùng, và lọc dưới đáy. Đối với người mới bắt đầu nuôi cá, nên chọn bộ lọc trên bể và bộ lọc treo phía sau vìt dễ sử dụng và bảo trì.
Village House có nhiều bất động sản cho thuê với mức giá thuê phải chăng trên khắp nước Nhật. Nếu đang tìm chỗ ở mới, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tìm hiểu thêm thông tin.
Xin chào, tôi là Machiko Doi, một nhà văn tự do viết về nhà ở và cuộc sống ở Nhật Bản.
Tôi sống trong một ngôi nhà 80 năm tuổi được thừa kế từ ông bà cùng với hai con mèo nhận nuôi và con gái của tôi.
Chúng tôi sống một cuộc sống thoải mái trong khi sửa chữa ngôi nhà này.
Tôi thích nấu rau hái từ vườn và cá tươi do bố tôi bắt được, thưởng thức chúng với bia lạnh vào ngày nóng hoặc rượu sake nóng vào ngày lạnh.