Vào đầu mùa xuân, lượng phấn hoa trong không khí tăng cao, khiến nhiều người bị hắt hơi, chảy nước mũi và ngứa mắt. Dù đeo kính và khẩu trang có thể giúp bạn hạn chế tiếp xúc với phấn hoa khi ra ngoài, nhưng phấn hoa vẫn dễ bám vào quần áo, đồ vật và xâm nhập vào nhà, khiến nhiều người lúng túng không biết phải làm sao để ngăn chặn phấn hoa.
Bài viết này sẽ chia sẻ những cách hiệu quả để làm sạch và ngăn phấn hoa bay vào nhà. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát phấn hoa trong không gian sống, những mẹo hay trong bài viết này sẽ mang đến giải pháp hữu ích.
Village House có hơn 1.000 căn hộ cho thuê với giá phải chăng trên khắp nước Nhật, chỉ từ 20.000 yên/tháng. Nếu đang tìm một nơi để an cư, hãy tham khảo ngay trang web của chúng tôi để tìm hiểu thêm thông tin.
Phấn hoa vào nhà bằng cách nào?

Phấn hoa bay vào nhà qua ba đường chính:
- Qua cửa sổ để mở
Nhiều người có thói quen mở cửa sổ để đón gió mát, nhưng đó cũng là cách khiến phấn hoa dễ dàng bay vào nhà và bám lên sàn nhà, đồ nội thất. Do phấn hoa rất nhẹ nên có thể dễ dàng bay lơ lửng trong không khí khi có sự di chuyển trong phòng, dù là người đi lại hay đồ vật bị dịch chuyển.
- Bám vào quần áo và đồ phơi ngoài trời
Khi bạn phơi quần áo ngoài trời, phấn hoa sẽ bám vào vải, sau đó được mang vào nhà. Không chỉ quần áo, mà áo khoác, khăn quàng cổ và thậm chí cả tóc cũng có thể trở thành nơi phấn hoa bám vào, khiến chúng lan ra khắp nhà.
- Vệ sinh chưa đúng cách
Nếu phấn hoa bay vào nhà nhưng không được lau dọn kỹ lưỡng, chúng sẽ tích tụ trên sàn nhà và góc phòng. Đặc biệt, máy hút bụi thông thường có thể làm phấn hoa bay phân tán chứ không hút hết được.
Hãy giũ sạch phấn hoa trước khi vào nhà

Trong mùa phấn hoa, phấn hoa sẽ bám vào tóc và quần áo, theo bạn vào nhà. Nếu không cẩn thận, bạn sẽ mang phấn hoa vào nhà, khiến gây ra những triệu chứng dị ứng như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt.
Để hạn chế phấn hoa theo bạn vào nhà, hãy tập thói quen giũ sạch phấn hoa trước khi vào nhà. Đầu tiên là giũ quần áo và túi xách để loại bỏ bớt phấn hoa. Sau đó là chú ý vệ sinh kỹ những vật dụng dễ bám phấn hoa như áo khoác và mũ.
Ở cửa ra vào, bố trí chổi lông mềm hoặc cây lau bụi để quét nhẹ nhàng lau tóc, vai áo trước khi bước vào. Ngoài ra, khi vào nhà, nên rửa tay và rửa mặt ngay để ngăn phấn hoa bay vào nhà.
Lưu ý chất liệu quần áo

Nguồn ảnh: LION
Tĩnh điện có thể khiến phấn hoa bám chặt vào quần áo, vô tình mang chúng vào nhà mà bạn không hay biết. Để giảm thiểu tình trạng này, bạn nên chọn trang phục ít sinh ra tĩnh điện. Các loại vải như cotton, linen (vải lanh) và lụa có xu hướng ít tích điện hơn, giúp hạn chế phấn hoa bám vào.
Ngược lại, len và các chất liệu có sợi xốp, bề mặt không phẳng lại dễ hút phấn hoa hơn. Vì vậy, tốt nhất là tránh mặc đồ len vào mùa phấn hoa để giảm nguy cơ mang phấn hoa vào nhà.
Một mẹo hay khác là trước khi ra ngoài, bạn có thể xịt dung dịch chống tĩnh điện lên quần áo. Tùy vào chất liệu vải, việc này giúp giảm tĩnh điện và hạn chế phấn hoa bám vào, giữ cho quần áo sạch hơn và tránh mang phấn hoa vào nhà.
Cẩn thận khi vệ sinh đồ vải

Các vật dụng như rèm cửa, thảm, ghế sofa, vỏ gối thường là nơi phấn hoa tích tụ. Tuy nhiên, một số đồ dùng như thảm và ghế sofa khá khó giặt, nên cách tốt nhất là dùng băng dính hoặc sản phẩm vệ sinh chuyên dụng để vệ sinh.
Với các vật dụng có thể giặt được như rèm cửa, vỏ gối, hãy giặt định kỳ. Nếu giặt máy được, nên giặt hai tuần một lần, theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi xả nước, bạn có thể thêm nước xả vải để giảm tĩnh điện cho vải, giúp phấn hoa không bám vào vải sau khi giặt.
Với các vật dụng như rèm hay các đồ vải không thể giặt máy, hãy hút bụi nhẹ nhàng trước, sau đó xịt dung dịch chống tĩnh điện hoặc nước xả vải pha loãng lên bề mặt vải để hạn chế phấn hoa bám lại. Cách này giúp nhà cửa sạch hơn và giảm thiểu lượng phấn hoa tích tụ.
Dùng máy lọc không khí

Máy lọc không khí là giải pháp tuyệt vời giúp giảm lượng phấn hoa trong nhà, giúp hút và loại bỏ các hạt phấn hoa lơ lửng trong không khí. Máy lọc có bộ lọc HEPA đặc biệt hiệu quả vì có thể giữ lại ngay cả những hạt phấn hoa nhỏ nhất, giúp không khí trong nhà luôn sạch sẽ và tươi mát.
Để sử dụng tối ưu, tốt hơn hết là nên bật máy lọc không khí liên tục suốt mùa phấn hoa, và đặt máy ở chỗ phấn hoa thường tích tụ, chẳng hạn như cửa ra vào hoặc phòng ngủ. Ngoài ra, cũng cần vệ sinh định kỳ bộ lọc để máy hoạt động hiệu quả tối ưu. Giải pháp này có thể giúp giảm đáng kể những triệu chứng của dị ứng phấn hoa.
Dùng máy tạo độ ẩm để giảm bớt phấn hoa trong nhà

Duy trì độ ẩm trong nhà có thể giúp giảm triệu chứng dị ứng trong mùa phấn hoa. Khi sử dụng máy tạo ẩm, bật độ ẩm trong khoảng 40-60% sẽ khiến hạt phấn hoa hấp thụ nước, trở nên nặng hơn và rơi xuống sàn hoặc bám vào đồ đạc thay vì bay lơ lửng trong không khí.
Ngoài ra, độ ẩm vừa phải còn giúp niêm mạc mũi và họng không bị khô, từ đó tăng cường hàng rào bảo vệ chống lại các tác nhân gây kích ứng như phấn hoa.
Tuy nhiên, không nên tăng độ ẩm quá cao, vì điều này có thể tạo điều kiện cho nấm mốc và mạt bụi phát triển. Sử dụng ẩm kế để kiểm soát độ ẩm vừa phải trong nhà, giúp tạo không gian trong nhà thoải mái mà vẫn giảm thiểu phấn hoa hiệu quả.
Phơi quần áo trong nhà

Nếu bạn phơi chăn, quần áo ngoài trời trong mùa phấn hoa, tĩnh điện có thể khiến phấn hoa bám vào vải và vô tình mang chúng vào nhà. Để hạn chế điều này, tốt nhất là nên phơi đồ trong nhà vào mùa này.
Khi phơi đồ trong nhà, nên chọn chỗ có hệ thống thông gió tốt. Phòng tắm và phòng giặt là những khu vực lý tưởng, có hệ thống thông gió tốt, giúp quần áo khô nhanh lại còn giúp tránh ẩm mốc và mùi hôi.
Phơi đồ trong nhà không những giúp phấn hoa không bám vào quần áo, mà còn giúp duy trì độ ẩm tự nhiên. Đây là cách duy trì độ ẩm trong nhà, đặc biệt là trong mùa hanh khô, giúp môi trường trong nhà dễ chịu hơn.
Nếu việc phơi trong nhà không thuận tiện, sử dụng máy sấy sẽ giúp quần áo khô nhanh chóng mà không tiếp xúc với phấn hoa bên ngoài.
Thông gió đúng thời điểm để hạn chế phấn hoa

Theo Hướng dẫn Bảo vệ Sức khỏe Mùa Phấn Hoa 2022 của Bộ Môi trường Nhật Bản, lượng phấn hoa thường thấp vào buổi sáng sớm và tối muộn. Vì vậy, mở cửa vào sáng sớm là cách tốt nhất để đón không khí trong lành mà hạn chế phấn hoa bay vào nhà. Dù mở cửa thông gió luôn khiến phấn hoa bay vào nhà, nhưng nếu canh giờ cẩn thận thì cũng giúp hạn chế bớt lượng phấn hoa bay vào nhà.
Khi thông gió, chỉ mở cửa khoảng 10 cm, đủ để không khí lưu thông mà không để quá nhiều phấn hoa lọt vào. Một mẹo hay khác là dùng rèm ren hoặc rèm chống phấn hoa, giúp lọc bớt phấn hoa khi gió lùa vào nhà. Như vậy vừa giúp nhà cửa thoáng mát, mà vẫn không bị quá nhiều phấn hoa bay vào nhà.
Nguồn: Bộ Môi trường Nhật Bản – Hướng dẫn Bảo vệ sức khỏe mùa phấn hoa 2022
Vệ sinh nhà cửa bằng khăn ẩm

Tránh sử dụng máy hút bụi trong mùa phấn hoa! Máy hút bụi có thể khuấy động và phát tán phấn hoa trở lại không khí, làm cho chúng bay khắp phòng thay vì loại bỏ chúng hoàn toàn. Cách vệ sinh mùa phấn hoa là dùng khăn ẩm lau dọn.
Dùng khăn ẩm lau sàn và bề mặt nội thất là cách vệ sinh hiệu quả nhất để giúp phấn hoa không bị bay ngược lên không khí. Khi dùng khăn, cần vắt khô khăn lau trước khi sử dụng, tránh để lại quá nhiều nước gây ẩm mốc.
Dùng cây lau nhà có khăn ẩm hoặc khăn lau ướt tiện lợi – sau khi lau xong, chỉ cần vứt đi mà không mất công giặt lại.
Để kiểm soát phấn hoa trong nhà, quan trọng nhất là phải giữ môi trường trong nhà sạch sẽ, ngăn phấn hoa bay vào nhà và phát tán trong nhà. Nên lưu ý cửa sổ, quần áo, phơi quần áo, cũng như nên lau dọn nhà cửa bằng khăn ẩm để giúp loại bỏ phấn hoa triệt để.
Tại Village House, chúng tôi không yêu cầu tiền đặt cọc, tiền lễ, phí xử lý, hay phí gia hạn (※). Nếu đang muốn tiết kiệm các chi phí ban đầu, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn chi tiết.
※Lưu ý, tùy vào điều khoản hợp đồng và kết quả sàng lọc người thuê mà có thể phải nộp tiền đặt cọc.

Xin chào, tôi là Machiko Doi, một nhà văn tự do viết về nhà ở và cuộc sống ở Nhật Bản.
Tôi sống trong một ngôi nhà 80 năm tuổi được thừa kế từ ông bà cùng với hai con mèo nhận nuôi và con gái của tôi.
Chúng tôi sống một cuộc sống thoải mái trong khi sửa chữa ngôi nhà này.
Tôi thích nấu rau hái từ vườn và cá tươi do bố tôi bắt được, thưởng thức chúng với bia lạnh vào ngày nóng hoặc rượu sake nóng vào ngày lạnh.