Đến một quốc gia mới có thể dẫn đến sự hiểu lầm, đặc biệt là ở Nhật vì nơi đây có nhiều điểm văn hóa khác biệt so với những quốc gia khác. Thậm chí có những việc có thể gây ra những tình huống trớ trêu. Thế nên trước khi đến một quốc gia nào đó, bạn nên tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng nơi mình sẽ đến. Dù có hơi mất thời gian một chút nhưng bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt với người bản địa khi thể hiện được việc mình có hiểu biết về văn hóa của họ. Không cần phải trở nên tuyệt đối hoàn hảo, chỉ cần cố gắng một chút mà thôi.
1. Cởi giày trước khi vào nhà
Tại Nhật Bản có một quy tắc rất nghiêm ngặt, đó là không được mang giày dép từ ngoài vào nhà, mà phải để tại genkan hay còn gọi là tiền sảnh. Bạn cần cởi giày của mình và để gọn gàng vào tủ đựng hoặc kệ giày. Điều này giúp cho bên trong nhà sạch sẽ và sàn nhà ít bị hư hao. Sẽ có những đôi dép riêng gọi là Wabaki để bạn sử dụng đi trong nhà và ở những nơi như trường học. Đây là quy tắc mà bạn nhất định không được phá vỡ đấy, và nếu không tuân thủ bạn chắc chắn sẽ bị nhắc nhở ngay.
2. Không gắp ăn trực tiếp từ đĩa chung
Khi bạn đi ăn cùng với mọi người, món ăn luôn được phục vụ trong một đĩa thức ăn chung. Điều nên làm là dùng đũa gắp thức ăn và đặt vào đĩa của mình trước khi ăn. Đừng gắp ăn trực tiếp từ đĩa chung vì đó là một cách ứng xử không phù hợp chuẩn mực của Nhật và mọi người sẽ rất khó chịu với hành động đó của bạn, thậm chí tạo ấn tượng không tốt về bạn. Chỉ cần để ý nhìn và làm theo những người ăn cùng là bạn sẽ ổn thôi.
3. Cúi chào
Cúi chào khi gặp một người mới hoặc khi được người khác giới thiệu đã trở thành một nét truyền thống ở Nhật. Tại xứ sở mặt trời mọc, cúi chào là một chuẩn mực văn hóa, thể hiện sự tôn trọng với người mà bạn đang gặp gỡ. Cúi chào càng lâu càng thể hiện sự kính trọng của bạn với người khác. Quy tắc này không nhất thiết phải kéo dài vài phút mà chỉ cần bạn cúi thấp người hơn là được. Nếu người đó muốn bắt tay thì bạn chỉ cần bắt tay. Việc cùng lúc cúi đầu và bắt tay gây lúng túng cho mọi người và cũng có thể ảnh hưởng đến việc giới thiệu sau đó.
4. Dép đi trong nhà vệ sinh
Trong các căn hộ Nhật điển hình, nhà vệ sinh và phòng tắm cách biệt với nhau, lý do là vì người Nhật quan niệm phòng vệ sinh dơ bẩn và khó chùi rửa sạch sẽ. Trong hầu hết các địa điểm kinh doanh bạn sẽ thấy có dép đi riêng trong nhà vệ sinh. Hãy nhớ dùng dép này khi đi vệ sinh và cởi ra khi ra khỏi đó. Bạn sẽ rơi vào tình huống khó xử khi ra ngoài mà đi đôi dép vệ sinh này đó!
5. Phân loại rác
Phân loại và bỏ rác đúng cách là một vấn đề lớn ở Nhật, và việc học cách phân loại và bỏ rác khi đến Nhật là cực kỳ quan trọng. Trước hết là cách phân loại: loại đốt được, không đốt được và rác thải nhựa. Tiếp theo là bỏ rác đúng nơi quy định. Thông thường các khu bỏ rác gần kề với các khu căn hộ chung cư, hoặc ở các khu vực trên phố thì có chỉ dẫn lưới xanh. Ở Nhật việc thu gom rác chỉ được thu gom vào những ngày cố định. Nếu không tuân thủ đúng, bạn có thể khiến hàng xóm hoặc người tuân thủ đúng khó chịu.
6. Không vừa đi vừa ăn
Dù không phải là một quy tắc quá cứng ngắc nhưng hành động vừa đi vừa ăn được coi là cách ứng xử kém. Hầu hết người lớn tuổi sẽ thể hiện vẻ mặt không hài lòng hoặc thậm chí sẽ nói gì đó với bạn. Giới trẻ Nhật thì lại không quá chú ý đến việc đó và bạn sẽ thấy khá nhiều người vừa đi vừa ăn. Tốt hơn hết là nên dừng lại ở đâu đó khi ăn, ví dụ như trước cửa một cửa hàng tiện lợi chẳng hạn.
7. Chỉ trỏ
Việc chỉ trỏ vào người khác sẽ khiến họ khó chịu, cau có. Sẽ không ai chỉnh cho bạn hoặc thể hiện ánh nhìn công khai với việc làm đó, nhưng nhiều người Nhật sẽ rất khó chịu vì việc này trong buổi gặp gỡ đầu tiên. Người Nhật vẫn làm điều này, nhưng chỉ với bạn bè thân thiết hoặc bà con họ hàng mà thôi. Hãy chú ý điểm này nhé.
8. Tắm sạch
Ở các nước phương Tây, việc tắm rửa là cách để làm sạch cơ thể. Thế nhưng ở Nhật, tắm được xem là thư giãn và xả stress. Bạn cần tắm sạch trước khi ngâm mình trong bồn tắm. Đây là quy tắc rất nghiêm ngặt và bạn phải tuân theo, nếu không sẽ bị nhắc nhở ngay đấy.
9. Tôn trọng danh thiếp
Trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản, danh thiếp được coi như đại diện của một người. Thế nên khi nhận danh thiếp của ai đó, nếu bạn quá vội vàng nhận và cất đi ngay thì sẽ bị xem là không tôn trọng người đó. Bạn cần cẩn trọng và lịch thiệp nhất có thể. Khi trao danh thiếp của mình cũng phải hết sức chú ý trao và nhận danh thiếp bằng cả hai tay và cúi đầu nhẹ. Đây là điều cực kỳ quan trọng thể hiện sự hiểu biết của bạn về văn hóa trao nhận danh thiếp của Nhật. Đối với danh thiếp, bạn có thể cất vào túi áo hoặc chỗ nào có thể dễ dàng lấy ra khi người khác đang không nhìn bạn. Đừng vội cất ngay khi người khác vẫn còn đang chú ý tới bạn nhé.
10. Giữ yên lặng trên tàu
Khi đi trên tàu hoặc xe buýt, việc nói chuyện ồn ào bị xem là hành vi không phù hợp văn hóa Nhật Bản. Gần như tất cả người dân Nhật đều dùng phương tiện giao thông công cộng để đi lại hàng ngày và họ luôn cố gắng không gây sự khó chịu cho người khác. Nếu bạn lỡ lời nói quá ồn ào, bạn sẽ nhận được nhiều ánh mắt kỳ thị và khó chịu từ các hành khách khác, thậm chí là cả những lời nói không hay. Hãy cố gắng nói thật nhỏ nhẹ, tắt âm thanh của điện thoại di động khi dùng phương tiện công cộng. Bạn vẫn có thể chơi game, lướt web hay nghe nhạc xem phim nếu bạn có dây tai nghe. Ngoài ra, việc nghe gọi điện thoại cũng được xem là cực kỳ không phù hợp khi đi lại trên tàu xe, và bạn sẽ thấy các biển báo cấm dùng điện thoại trên tàu ở Nhật khi tàu đang chạy. Nếu buộc phải nói chuyện điện thoại, hãy trao đổi thật nhanh và nói thật nhỏ ở phía chỗ nối các toa tàu.
Bạn sẽ không gặp phải vấn đề gì nếu không tuân theo các quy tắc văn hóa trên. Người dân bản địa biết bạn đến từ quốc gia khác và có thể biết hoặc không biết các quy tắc này. Thế nhưng, bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt với người dân nơi đây nếu biết về các quy tắc ứng xử phù hợp với văn hóa ở đây. Nhớ nhé, luôn thật để ý ở những nơi mới đến nhé.