Phong cách Japandi đang ngày càng trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Sự kết hợp giữa phong cách Nhật Bản và Scandinavia là một sự giao thoa nhẹ nhàng và hài hòa. Thiết kế nội thất kiểu Japandi đem lại cảm giác giản dị, thường liên quan đến tư tưởng chủ nghĩa tối giản và tự nhiên kết hợp với cảm giác thoải mái và ấm cúng để tạo ra một ngôi nhà hài hòa về mọi mặt.
Căn hộ cho thuê ở Nhật Bản, kể cả các căn hộ cho thuê của Village House, sẽ phù hợp với phong cách Japandi vì bản thân kiểu bố trí căn hộ mang tính công năng cao. Nếu bạn đang tìm kiếm một diện mạo tươi mới cho ngôi nhà của mình, phong cách hợp thời nhưng không bao giờ lỗi mốt của Japandi có thể là nguồn cảm hứng cho bạn. Mời bạn đọc tiếp để tìm hiểu thêm về phong cách thiết kế nội thất Japandi.
Hygge
Từ Hygge bắt nguồn từ một từ tiếng Đan Mạch có nghĩa là “mang lại sự can đảm, thoải mái, niềm vui”. Hygge là một lối sống ở Đan Mạch chú trọng vào sự chánh niệm trên nền tảng cảm giác thoải mái, đơn giản và ấm cúng. Những ý tưởng này được đúc kết vào phong cách hygge.
Có mười nguyên tắc của hygge: bầu không khí, sự hiện diện, niềm vui, sự bình đẳng, lòng biết ơn, sự thoải mái, sự gần gũi, sự hài hòa, chốn nghỉ tạm và nơi trú ẩn. Những ý tưởng này chuyển hóa thành phong cách thiết kế nội thất hygge.
Một số cách để đưa phong cách hygge vào nhà là kết hợp trồng cây trong nhà, dọn dẹp nhà cửa, mua vật dụng tái sử dụng cho nhà, tái chế, kết hợp nhiều họa tiết mềm mại hơn vào nhà và có một số đồ trang trí nổi bật xung quanh nhà. Phong cách Hygge thường tập trung vào tông màu trung tính với tông màu ấm. Yếu tố tự nhiên và ánh sáng tự nhiên đều là những thành tố quan trọng trong phong cách thiết kế hygge.
Hygge đặc biệt thịnh hàng trong những tháng thu đông khi mọi người đều cảm thấy háo hức được đắm mình trong cảm giác ấm cúng.
Wabi-Sabi
Wabi-sabi là một trong những tư tưởng truyền thống trong tính thẩm mỹ của Nhật Bản. Tư tưởng này là sự kết hợp của hai khái niệm khác nhau: wabi và sabi. ‘Wabi’ đề cập đến vẻ đẹp của sự hao mòn. Tinh thần ‘wabi’ là những thứ mộc mạc và nhuốm màu thời gian là đẹp. ‘Sabi’ thì đề cập đến sự không hoàn hảo. Kết hợp lại phong cách wabi-sabi là để chỉ vẻ đẹp của sự không hoàn hảo và giản đơn.
Đây là một trong năm nguyên tắc thiết kế nội thất phong cách Nhật Bản. Có bảy nguyên tắc trong lối thiết kế wabi-sabi thấm đẫm triết lý của Thiền Phật giáo: kanso (sự đơn giản), shibumi (vẻ đẹp kín đáo), shizen (tự nhiên), datsuzoku (tự do phóng khoáng), seijaku (sự tĩnh lặng), yugen (sự thanh lịch tinh tế) và fukinsei (bất đối xứng). Trong phong cách wabi-sabi, người ta hài lòng với những gì đã có, thay vì luôn khao khát những thứ mới mẻ để đón nhận sự yên bình trong cuộc sống và mái ấm của mình. Wabi-sabi khuyến khích chúng ta chấp nhận sự không hoàn hảo.
Khi sử dụng những món đồ đã qua sử dụng, tái chế và tân trang các món đồ để tôn lên câu chuyện và sự độc đáo của chúng, chúng ta có thể kết hợp phong cách wabi-sabi vào ngôi nhà của mình. Sử dụng các vật liệu tự nhiên như gỗ và vải linen cũng là một cách tuyệt vời để đem cảm giác wabi-sabi vào nhà. Tuy nhiên, cốt lõi của wabi-sabi là tư tưởng giảm thiểu những thứ không cần thiết và trân trọng cảm giác tối giản, vì vậy một trong những phương pháp chính để đưa phong cách wabi-sabi vào nhà là thông qua việc dọn dẹp bớt đồ đạc.
Thiết kế gần với tự nhiên
Trong cả phong cách Scandinavia lẫn phong cách Nhật Bản, các vật liệu tự nhiên như gỗ, bông và vải linen được ưa chuộng hơn các vật liệu nhân tạo. Gỗ là một chủ đề phổ biến trong thiết kế nội thất kiểu Japandi. Bạn có thể tạo điểm nhấn cho ngôi nhà của mình bằng những chiếc bàn hoặc kệ gỗ để tạo nên phong cách Japandi. Tương tự, các vật liệu như tre nứa được dùng rất nhiều, tre nứa có tác dụng tuyệt vời như làm chụp đèn hoặc giỏ đựng đồ, và cũng có thể được đan thành giỏ trồng cây.
Đồ nội thất mềm mại làm từ bông và vải linen cũng gần gũi hơn đem lại nét tự nhiên trong phong cách nội thất Japandi. Hãy lưu ý điều này khi lựa chọn rèm cửa, ghế ngồi, giường ngủ, v.v.
Ngoài việc được làm từ vật liệu tự nhiên, thiết kế hướng tới tự nhiên còn là những món đồ nội thất theo hình dạng tự nhiên. Một chiếc bàn cà phê vẫn còn mang hình dạng tự nhiên của gỗ là một cách hay để tôn lên vẻ đẹp không hoàn hảo một cách hoàn hảo – trọng tâm trong phong cách Japandi.
Ánh sáng
Giống như thiết kế gần với tự nhiên, ánh sáng tự nhiên là cách kết hợp yếu tố thiên nhiên vào lối thẩm mỹ Japandi. Nếu có thể, hãy cố gắng tối đa hóa việc sử dụng ánh sáng tự nhiên bằng cách sơn tường màu trắng hoặc màu bắt sáng và mở cửa sổ. Để tăng thêm ánh sáng tự nhiên, hãy đặt gương trên những bức tường đón nắng, đây cũng là một cách tuyệt vời để làm cho ngôi nhà của bạn có cảm giác rộng rãi hơn.
Ở những nơi không có ánh sáng tự nhiên, hãy chú trọng vào việc tạo ra một môi trường thoải mái và ấm cúng bằng cách sử dụng ánh sáng ấm áp. Tránh đèn ánh sáng trắng mà hãy chọn các tông nghiêng màu vàng và cam hơn. Đèn là cách tuyệt vời để tạo ra một môi trường thoải mái và ấm áp. Khi kết hợp sử dụng các loại đèn ở các độ cao khác nhau, nó cũng có thể tạo ra những hình dạng thú vị khi ánh sáng phản chiếu trên tường.
Vào những đêm mùa đông, nến là một cách tuyệt vời để đưa ánh sáng tự nhiên vào nhà nên nến có vai trò rất đặc biệt trong thiết kế nội thất kiểu Japandi.
Chủ nghĩa tối giản
Chủ nghĩa tối giản là một phần quan trọng trong phong cách Japandi vì kiểu thiết kế nội thất này đòi hỏi không gian gọn gàng. Có rất nhiều mẹo để giảm bớt sự lộn xộn, chẳng hạn như tránh các họa tiết, màu sắc tươi chói, làm sạch bề mặt, v.v. Tuy nhiên, tinh thần chủ đạo đơn giản là loại bỏ những thứ mà bạn không cần hoặc không “đem lại niềm vui”, như thánh nữ dọn nhà Marie Kondo đã nói.
Ngoài ra, khi trang trí nhà, bạn nên đảm bảo rằng mọi món đồ trang trí đều có chủ đích và chức năng, chẳng hạn như đồ gốm, đèn và sách.
Phong cách Japandi là sự kết hợp tuyệt vời của hai phong cách và ý tưởng khác nhau. Phong cách này rất thích hợp khi ứng dụng trong trang trí nhà cửa tất cả các mùa trong năm, khuyến khích một lối sống tốt hơn cho môi trường và sức khỏe của chúng ta, bằng cách giúp chúng ta hòa mình hơn với thiên nhiên, ngay cả trong nhà của chúng ta, với tiêu chí ít hơn thì tốt hơn. Hi vọng bài viết này truyền cảm hứng cho căn hộ Village House của bạn!