Chuyển đến Nhật Bản hay chuyển nhà ở Nhật đều có thể rất tốn kém vì phần lớn các căn hộ cho thuê không có sẵn đồ đạc. Thông thường là nhà không có đồ nội thất, thậm chí có căn còn không có máy điều hòa nhiệt độ, bếp nấu hoặc đèn chiếu sáng.
Hiện bạn đang có kế hoạch chuyển đến Nhật và tự nhủ “chắc mình sẽ không như vậy đâu, chỉ cần mình chuyển mọi đồ đạc và vật dụng qua là xong thôi mà!” Chờ chút nào, bạn có biết là căn hộ và nhà ở Nhật Bản thường nhỏ hơn rất nhiều so với nhà cửa ở Mỹ hoặc châu Âu không? Do đó, đồ đạc của bạn có thể sẽ không thể kê vừa ở Nhật. Thứ hai là, tùy thuộc vào nơi bạn chuyển đến, có thể bạn sẽ không sử dụng được các thiết bị điện gia dụng hoặc các các thiết bị điện dùng trong bếp ở Nhật do sự khác biệt về điện áp. Nhật Bản chỉ dùng dòng điện 100 volt, trong khi ở các nước khác thì lại dùng dòng điện 100 ~ 240 volt. Nếu muốn đem các thiết bị điện từ nước ngoài sang, bạn cần mua máy biến thế có mức giá khoảng ¥5.000 ~ ¥50.000 yên. Bạn cũng cần mua bộ chuyển đổi nguồn vì ổ cắm ở Nhật có thể không giống với loại ổ cắm ở quê nhà.
Thế nên, nếu không muốn phải chi quá nhiều tiền khi chuyển đến Nhật Bản hoặc khi chuyển sang một căn hộ mới không có đồ đạc, hãy tham khảo bài viết này để tìm hiểu các mẹo có thể giúp bạn tiết kiệm được một chút tiền. Bạn cũng có thể hỏi môi giới của Village House cách để tiết kiệm nếu có đem theo đồ đạc và thiết bị gia dụng vì chúng tôi có thể hỗ trợ vận chuyển cũng như giúp bạn trong những vấn đề như vậy.
Dự tính chi phí thiết bị gia dụng
Một trong những khoản chi tiêu lớn nhất là thiết bị điện gia dụng và thiết bị bếp. Chẳng có cách nào để tránh mua những vật dụng thiết yếu này ngoại trừ việc bạn thích sử dụng dịch vụ giặt là bên ngoài hay chỉ ăn ngoài và mua mang về.
Giá mua máy giặt dao động từ khoảng ¥20,000 và có thể lên tới ¥250,000 yên tùy thuộc vào dòng sản phẩm và kiểu máy, chức năng, máy giặt lồng trên hay lồng trước, kích thước và công suất, v.v.
Tủ lạnh dao động từ ¥18,000 đến ¥350,000 tùy thuộc vào kích thước, thương hiệu, chức năng, v.v.
Bếp nấu thì tùy thuộc vào bếp ga hay bếp điện mà sẽ có mức giá trong khoảng ¥16,000 đến ¥26,000.
Nếu sống một mình và/hoặc không muốn mất thời gian nấu nướng trong bếp sau một ngày dài làm việc thì bạn có thể chọn mua lò vi sóng, với mức giá trung bình khoảng ¥5.000 ~ ¥7.000 yên.
Nếu thích bánh mì nướng hoặc thích làm các loại bánh đơn giản, dễ làm, nhỏ gọn thì bạn cần mua máy nướng bánh mì vì các loại lò nướng kích thước tiêu chuẩn không phổ biến ở Nhật và rất đắt đỏ. Máy nướng bánh mì có mức giá từ ¥2,500 với chức năng và kích thước hạn chế.
Tất nhiên, nếu bạn định chuyển đến Nhật chỉ trong một thời gian ngắn thì bạn có thể tìm thuê thay vì mua các thiết bị này. Phương án này vừa rẻ lại vừa giúp bạn tránh được việc dẹp bỏ chúng, một việc cực kỳ phức tạp ở Nhật. Nếu bạn thuê nhà ở Village House, bạn có thể chọn phương án lắp sẵn “các tiện ích bổ sung” khi ký hợp đồng thuê, chẳng hạn như máy điều hòa nhiệt độ, bếp gas, bồn rửa mặt và toilet.
Bạn có thể trao đổi để tìm hiểu mức giá cũng như tình trạng các căn hộ có sẵn các tiện ích với môi giới của Village House.
Đồ nội thất giá rẻ
Chi phí chuyển nhà không bao giờ là rẻ nhưng bạn cũng có thể cắt giảm để tiết kiệm được đôi chút bằng cách mua các thương hiệu bình dân, không phải hàng Nhật Bản ở các địa điểm sau:
IKEA – Ai mà không biết IKEA chứ! Nhắc đến đồ nội thất giá mềm là phải nhắc đến IKEA vì chúng là hàng khách hàng tự đóng, do đó dễ vận chuyển đến tận nhà. Nếu muốn kiểu nội thất và đồ gia dụng theo phong cách phương Tây thì IKEA là một lựa chọn hoàn hảo.
MUJI – đây là công ty bán lẻ của Nhật chuyên bán các mặt hàng gia dụng theo phong cách tối giản. Họ cũng chú trọng vào việc tái chế và hạn chế lãng phí do sản xuất và đóng gói dư thừa, vì vậy nếu bạn ý thức đến môi trường và sự nóng lên toàn cầu, tại sao không thử ghé thăm các cửa hàng Muji nhỉ?
NITORI – hay còn được gọi là “IKEA của Nhật”, Nitori là nhà bán lẻ hàng gia dụng giá rẻ với các cửa hàng tọa lạc ở các địa điểm trung tâm trong thành phố. Nitori cũng chuyên về các mặt hàng gia dụng đặc trưng của Nhật như nệm futon, bọc nệm futon và kotatsus. Nếu muốn tìm mua những món đồ này, bạn nhớ ghé qua Nitori nhé.
Chương trình giảm giá
Ai cũng thích mua được món hàng giá hời và người Nhật Bản cũng vậy. Một trong những mùa săn sale tốt nhất ở Nhật là trong giai đoạn tháng 12 tới tháng 2. Mùa sale này thường được gọi là mùa Hatsu-uri – Mùa sale đầu tiên trong năm, tương tự như mùa Black Friday nhưng kéo dài hơn, nhiều cửa hàng tham gia hơn, gồm cả cửa hàng điện tử và điện gia dụng. Nếu đang để mắt đến một chiếc máy pha cà phê mới hay một chiếc máy giặt kết hợp máy sấy nhưng không muốn tiêu quá nhiều tiền thì hãy đợi đến mùa sale này để tìm mua nhé.
Một thời điểm săn sale đồ gia dụng, đồ nội thất và thiết bị điện gia dụng là vào tháng Ba. Đây là thời điểm kết thúc năm tài chính của các công ty ở Nhật nên nhiều cửa hàng và doanh nghiệp sẽ tổ chức sale để cố kết thúc năm tài chính bằng những số liệu tốt.
Cửa hàng đồ cũ
Như đã đề cập ở đầu bài viết, việc vứt bỏ những đồ đạc, vật dụng hay các thiết bị điện gia dụng lớn là một việc đau đầu và phức tạp. Bạn cần phải có phiếu sodai gomi đặc biệt thì mới có thể vứt những vật dụng này được, và cũng cần phải đặt hẹn để có đơn vị đến thu gom. Làm như là việc chuyển nhà chưa đủ mệt vậy!
May mắn là vẫn còn một giải pháp khác: cửa hàng đồ cũ, hay ở Nhật còn gọi là cửa hàng tái chế. Vì việc vứt bỏ đồ đạc hoặc vật dụng cồng kềnh ở Nhật rất phức tạp nên bạn có thể tìm mua được những món hời ở các cửa hàng này vì việc chuyển những món đồ hoặc vật dụng không còn cần dùng đến nữa sang các cửa hàng này thì dễ hơn nhiều việc vứt bỏ chúng.
Một trong các cửa hàng đồ cũ phổ biến nhất ở Nhật là chuỗi cửa hàng “OFF”. House OFF và Hard OFF là nơi bạn có thể tìm được các món đồ nội thất, thiết bị gia dụng và các đồ gia dụng khác vẫn còn sử dụng cực kỳ tốt. Đôi khi, tùy thuộc vào từng chương trình ưu đãi, bạn có thể có những gói mua vừa tủ lạnh, lò vi sóng lẫn máy giặt chỉ khoảng ¥35,000~¥50,000 yên, đã bao gồm cả bảo hàng và phí vận chuyển!
Chuỗi cửa hàng đồ cũ khác ở Nhật là 2nd Street với hơn 550 cửa hàng trên khắp Nhật Bản và chuyên cung cấp các mặt hàng đã qua sử dụng có chất lượng cao cấp. Nếu bạn sống ở vùng nông thôn thì cũng có thể tìm được các cửa hàng Cosmo Space chuyên bán đồ cũ. Hoặc bạn cũng có thể dạo quanh khu phố xung quanh nơi mình sống để tìm các cửa hàng đồ cũ hoặc đồ đã qua sử dụng để có thể tiết kiệm thêm được phí vận chuyển.
Facebook Marketplace
Giải pháp cuối cùng, nếu bạn am hiểu internet thì có nhiều người nước ngoài lập các nhóm Facebook để hỗ trợ lẫn nhau mua hoặc vứt bỏ các đồ thiết bị gia dụng hoặc đồ nội thất. Một trong những nhóm Facebook thịnh hành và phổ biến nhất là Sayonara Sale, chuyên bán, cho và hỏi xin vật dụng gia đình. Tất cả các bài đăng đều phải qua kiểm duyệt để đảm bảo tính an toàn cũng như giảm thiểu cảm giác hối hận của người mua; đồng thời tất cả các bài viết đều có thông tin mô tả sản phẩm, địa điểm nhận hàng, giá cả, tình trạng và tất nhiên là cả hình ảnh nữa.
Nếu đang không rủng rỉnh tiền thì bạn có thể tham khảo nhóm Facebook Mottainai Japan vì nhóm này chú trọng đến việc bảo vệ môi trường và các vật dụng trên này đều miễn phí.
Còn nếu bạn định chi tiền để tìm mua một món đồ nội thất thì bạn cũng có thể lên ứng dụng mua đồ cũ ở Nhật là Mercari. Ngoài ra cũng có Craigslist Japan và GaijinPot mà nhiều người ngoại quốc thường sử dụng để bán hoặc cho đồ đạc của mình, giá cả thì thường có thể thương lượng được. Nhưng khi lên các trang web này nhớ cẩn thận và xác minh tình trạng sản phẩm cũng như địa điểm giao hàng kỹ để không bị tiền mất tật mang nhé.
Nếu bạn muốn tìm cách tiết kiệm tiền thì cũng có thể cân nhắc việc chuyển đến một căn hộ của Village House! Trang web của chúng tôi đang có sẵn nhiều loại căn hộ, và biết đâu căn hộ cho thuê giá cả phải chăng ở Nhật Bản của bạn đang chờ bạn trên đây thì sao!