Sống chung là điều các cặp đôi đang sống riêng luôn cảm thấy hào hứng. Không hiếm cặp đôi nghĩ rằng “Lúc nào tụi mình cũng ở bên nhau, chẳng phải ở chung thì sẽ tốt hơn sao?”.
Sống chung với nhau rất thú vị, nhưng nếu các cặp đôi không bàn bạc về vấn đề tài chính trước, điều này có thể dẫn đến mâu thuẫn không đáng có. Để tránh những tình huống như vậy, cả hai cần có một cuộc trò chuyện về cách quản lý tiền trước khi sống chung với nhau.
Trong bài viết này sẽ giải thích những vấn đề tài chính thường gặp khi sống chung và một số lời khuyên về cách quản lý tiền bạc. Nếu bạn đang cân nhắc sống chung với người mình thương, hãy tham khảo bài viết này.
Tại Village House, chúng tôi cung cấp hơn 1.000 bất động sản trên khắp Nhật Bản. Nếu các bạn đang tìm kiếm một căn hộ cho thuê để sống chung với nhau, hãy truy cập trang web của chúng tôi.
Những vấn đề tài chính thường gặp khi sống chung
Gánh nặng tài chính không đều
Nếu gánh nặng tài chính được đặt nặng hơn trên một trong hai người, điều này sẽ dễ gây ra vấn đề. Thông thường, người có thu nhập cao hơn sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả nhiều chi phí hơn.
Ví dụ, bạn có thể cảm thấy không công bằng khi việc nhà được chia đều trong khi bạn lại là người trả nhiều chi phí sinh hoạt. Ngược lại, một số người cũng có thể cảm thấy áy náy khi để người thương của mình phải chi trả chi phí sinh hoạt nhiều hơn.
Nếu có sự khác biệt về thu nhập và nửa kia của bạn đang trả nhiều hơn, bạn có thể sống chung thoải mái hơn bằng cách thể hiện sự quan tâm, chẳng hạn như giảm phần việc nhà của họ.
Chi tiêu không rõ ràng
Nếu bạn tiêu tiền một cách bốc đồng hoặc chi trả cho các chi phí hàng ngày mà không suy nghĩ, bạn sẽ không biết mình đã tiêu tiền vào đâu
Bạn sẽ có thể tiêu quá tay mà không hề hay biết và rơi vào tình trạng không đủ tiền để trang trải hết tháng hoặc không thể tiết kiệm được. Liên quan đến chi phí sinh hoạt hàng tháng và tiền tiết kiệm, điều quan trọng là phải cẩn thận các chi tiêu không cần thiết để có thể có sự chuẩn bị ổn định cho cuộc hôn nhân trong tương lai.
Quan điểm tài chính khác nhau
Sự khác biệt về quan điểm tài chính giữa các cặp đôi đôi khi có thể gây ra vấn đề.
Ví dụ, nếu một người chi tiêu nhiều tiền hơn cho sở thích hoặc giải trí so với số tiền họ kiếm được mỗi tháng, thì sẽ rất khó để tiết kiệm được tiền. Hơn nữa, nếu nửa kia của bạn là người tiêu xài hoặc ít quan tâm đến việc tiết kiệm thì cũng đồng nghĩa với việc khó tiết kiệm tiền được.
Cũng có mối lo ngại các vấn đề có thể phát sinh, chẳng hạn như nửa kia của bạn xin tiền hoặc tiêu tiền mà không có sự cho phép của bạn dưới chiêu bài sống chung.
Chi phí sinh hoạt cần thiết khi sống chung
Hạng mục | Chi phí |
Thực phẩm | ¥71,933 |
Điện | ¥10,030 |
Gas | ¥2,663 |
Nước | ¥4,095 |
Tiện ích khác | ¥227 |
Nhu yếu phẩm hàng ngày | ¥10,568 |
Quần áo | ¥4,988 |
Chi phí y tế | ¥15,254 |
Giao thông | ¥24,607 |
Truyền thông | ¥9,895 |
Chi phí giáo dục | ¥684 |
Giải trí | ¥25,465 |
Chi phí xã hội | ¥16,587 |
Khác | ¥25,042 |
Tổng cộng | ¥222,038 |
Theo “Báo cáo khảo sát chi tiêu hộ gia đình theo số người trong hộ tháng 9 năm 2023 (Bảng 3-1)” của Cục Thống kê thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, chi phí sinh hoạt cho hai người, không bao gồm tiền thuê nhà, là khoảng 220.000 yên. Khi cộng thêm chi phí cố định là tiền thuê nhà, tốt nhất bạn nên dự trù khoảng 300.000 yên mỗi tháng cho chi phí sinh hoạt khi sống chung.
Chi tiết các khoản chi phí khi sống chung
- Tiền thuê nhà
Mức thuê nhà hợp lý thường rơi vào khoảng 25-30% thu nhập của hộ gia đình. Để đảm bảo tính linh hoạt về tài chính, chẳng hạn như tiết kiệm cho tương lai hoặc đi hẹn hò, du lịch, tốt nhất bạn nên tìm mức tiền thuê không gây quá nhiều gánh nặng cho ngân sách chung của hai người.
- Chi phí thực phẩm
Ngân sách 71.933 yên cho thực phẩm bao gồm cả chi phí ăn uống tại nhà, đi ăn ngoài và đồ uống có cồn, tức là tương đương khoảng 2.400 yên mỗi ngày cho hai người. Lý tưởng nhất là chi phí thực phẩm nên chiếm khoảng 10-15% thu nhập hộ gia đình, do đó, bạn nên tính toán một mức phù hợp dựa trên thu nhập của mình bằng cách cân nhắc các lựa chọn như nấu ăn tại nhà hoặc mang cơm hộp đi làm.
- Chi phí điện nước, tiện ích
Chi phí trung bình cho các tiện ích như điện, gas và nước là 17.015 yên. Số tiền và mức sử dụng sẽ thay đổi tùy theo mùa và khu vực bạn sinh sống. Bạn có thể tiết kiệm tiền điện nước bằng cách dành nhiều thời gian ở trong một phòng, chỉ sử dụng một máy điều hòa và tắm chung để giảm thiểu mức năng lượng tiêu hao.
- Nhu yếu phẩm hàng ngày
Do nhu yếu phẩm hàng ngày bao gồm nhiều mặt hàng liên quan đến việc chăm sóc nhà cửa như giặt giũ, nấu ăn và vệ sinh, cũng như các sản phẩm chăm sóc cá nhân như dầu gội, sữa tắm và giấy vệ sinh, nên một số người sẽ khó xác định được mức ngân sách cho khoản này. Tuy nhiên, chi phí trung bình cho các nhu yếu phẩm hàng ngày rơi vào khoảng 10.568 yên. Để tiết kiệm, bạn có thể mua các nhu yếu phẩm không có hạn sử dụng khi có các chương trình khuyến mại.
- Chi phí liên lạc
Chi phí trung bình cho các khoản liên lạc, bao gồm điện thoại thông minh và internet, là 9.895 yên.
Khi sống chung, tần suất cần liên lạc với nhau giảm xuống, do đó có thể giảm thiểu việc sử dụng điện thoại. Ngoài ra, bạn chỉ cần trả tiền cho một gói kết nối internet thay vì phải trả hai gói riêng lẻ, giúp tiết kiệm chi phí.
Nếu bạn muốn chi phí liên lạc thấp nhất, hãy cân nhắc thuê một căn hộ có phí internet đã được bao gồm trong tiền thuê nhà.
- Chi phí giải trí và giao lưu
Chi phí giao lưu, bao gồm ăn uống với bạn bè hoặc các buổi tụ tập liên quan đến công việc, trung bình là 16.587 yên. Tuy sống chung nhưng cả hai cũng cần có không gian riêng tư thoải mái lành mạnh. Để tránh phụ thuộc quá nhiều vào nhau, hãy dành thời gian để gặp gỡ bạn bè hoặc đồng nghiệp.
Chi phí giải trí, chẳng hạn như xem phim hoặc đi nghe hòa nhạc, trung bình là 25.465 yên. Nếu bạn có cùng sở thích với người yêu, hai người có thể cùng nhau đi giải trí. Tuy nhiên, việc là một cặp đôi không nhất thiết có nghĩa là bạn phải chia sẻ cùng sở thích. Điều quan trọng là tận hưởng sở thích của mình trong phạm vi hợp lý để tránh gây gánh nặng tài chính cho đối phương.
- Chi phí đi lại
Chi phí đi lại trung bình là 24.607 yên. Tuy nhiên, chi phí đi lại sẽ thay đổi tùy theo lối sống của bạn, chẳng hạn như tiền vé tàu khi đi chơi, xăng xe và thuế. Đi dạo quanh khu phố cùng nhau vào những ngày nghỉ cũng là một cách tốt tăng cường sức khỏe mà lại tiết kiệm.
Cách quản lý tiền bạc khi sống chung
Đóng khoản cố định
Khi đóng một khoản tiền cố định mỗi tháng, việc quản lý tài chính sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thảo luận kỹ trước để tránh tranh cãi tài chính. Khi đóng một khoản tiền cố định, cả hai bên sẽ ý thức hơn về việc giữ chi tiêu trong mức ngân sách đã thống nhất. Ngoài ra, cũng có thể tiết kiệm được các khoản tiền dư nào. Phương pháp này phù hợp cho những cặp đôi muốn duy trì mối quan hệ bình đẳng khi sống chung.
Quản lý tài khoản chung
Mở một tài khoản ngân hàng chung với nửa kia sẽ giúp cả hai dễ dàng theo dõi các chi phí hàng tháng. Khi dùng tài khoản chung để thanh toán tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt, bạn có thể giảm thiểu các rủi ro tranh chấp tài chính.
Quản lý bằng thẻ tín dụng
Nếu hai bạn mở một tài khoản ngân hàng chung, thì cũng có thể cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng để quản lý chi tiêu. Cách này không chỉ giúp bạn dễ dàng kiểm tra chi tiêu hàng tháng nhờ bản sao kê, mà còn có thể kiếm được điểm thưởng. Điểm thưởng kiếm được có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như đổi lấy mã giảm giá khi mua sắm hoặc đổi lấy các phần thưởng.
Tuy nhiên, nhược điểm của việc sử dụng thẻ tín dụng là sự tiện lợi khi dùng thẻ có thể dẫn đến việc tiêu xài quá mức. Nếu không ngại chút biến động nhỏ trong các chi phí sinh hoạt hàng tháng, thì việc dùng thẻ tín dụng khá dễ quản lý.
Chia theo từng hạng mục chi tiêu
Có một phương pháp mà các cặp đôi có thể chia hóa đơn của các chi phí cố định hàng tháng và các chi phí biến động hàng tháng. Người có thu nhập cao hơn sẽ chi trả các chi phí cố định, còn các chi phí biến động sẽ thúc đẩy tư duy “hãy tiết kiệm càng nhiều càng tốt”. Bất kỳ khoản tiền dư nào cũng có thể được sử dụng tự do, nhưng tốt nhất nên thỏa thuận trước về số tiền tiết kiệm.
Nam giới thường kiếm được nhiều tiền hơn, vì vậy họ thường chi trả các chi phí cố định như tiền thuê nhà và hóa đơn tiện ích. Khi thảo luận về việc ai sẽ chịu trách nhiệm chi trả những chi phí nào dựa trên thu nhập của mình, cả hai sẽ không cảm thấy căng thẳng vì gánh nặng được san sẻ đồng đều.
Sáu mẹo quản lý tiền bạc khi sống chung
Khi không quản lý tốt chi phí sinh hoạt, thường sẽ dễ dẫn đến các cuộc tranh cãi giữa cặp đôi. Để tránh tình trạng này, cần lưu ý 6 điểm sau:
- Lập và duy trì ngân sách sinh hoạt chung
- Lập quy tắc quản lý tiền bạc
- Thường xuyên rà soát các chi phí sinh hoạt
- Đặt ra các mục tiêu tiết kiệm
- Thảo luận trước về các khoản chi nhiều tiền
- Không giữ bí mật với nhau
Để có mối quan hệ tốt với nửa kia, các cặp đôi cần thoải mái trao đổi với nhau về phương thức quản lý tài chính với nhau.
Tại Village House, chúng tôi không yêu cầu tiền đặt cọc, tiền lễ, tiền môi giới hay phí gia hạn. Nếu muốn cắt giảm bớt các chi phí ban đầu, hãy liên hệ ngay với chúng tôi.
Xin chào, tôi là Machiko Doi, một nhà văn tự do viết về nhà ở và cuộc sống ở Nhật Bản.
Tôi sống trong một ngôi nhà 80 năm tuổi được thừa kế từ ông bà cùng với hai con mèo nhận nuôi và con gái của tôi.
Chúng tôi sống một cuộc sống thoải mái trong khi sửa chữa ngôi nhà này.
Tôi thích nấu rau hái từ vườn và cá tươi do bố tôi bắt được, thưởng thức chúng với bia lạnh vào ngày nóng hoặc rượu sake nóng vào ngày lạnh.